-
- Tổng tiền thanh toán:
Mẹ đảm chia sẻ 5 công thức giúp con khỏi ho, hạn chế kháng sinh trong thời tiết giao mùa
Tác giả: admin Ngày đăng: 01/12/2022
Thời tiết giao mùa là lúc các bé hay ốm nhất, điển hình là các trận ho hay sổ mũi kéo dài hàng tuần trời khiến bố mẹ không khỏi lo lắng. Tuy nhiên với chị Giang (sống tại Tam Trinh, Hà Nội) thì khác, nhờ áp dụng các mẹo chữa ho sau mà 2 con của chị, một bé 8 tuổi mới dùng kháng sinh 1 lần, bé 3 tuổi trộm vía chưa dùng kháng sinh lần nào.
"Mình không phải mẹ đảm bếp núc lắm, nhưng riêng đối với việc trang bị cho con kháng thể tự nhiên thì mình luôn ưu tiên", chị Giang tâm sự.
Cụ thể, 5 công thức trị ho của chị Giang bao gồm:
1. Nước muối sinh lý
Dấu hiệu ban đầu thường sẽ là chảy mũi. Khi thấy con chớm xuất hiện là dùng ngay nước muối nhỏ mỗi bên 1 lần, day nhẹ 2 bên mũi, rồi nhỏ tiếp mỗi bên 1 lần và bịt cho con xì từng bên. Ngày 2 lần sáng, tối. Đừng ép con nha mà hãy biến nó thành 1 cuộc thi hay 1 trò chơi vui vui nhé. Bé 3 tuổi nhà mình mà đang chảy mũi, trước khi đi ngủ nếu mẹ quên là bạn ấy chủ động nhắc luôn. Đây là khâu phòng bị "địch" một cách hiệu quả và siêu rẻ nữa.
2. Combo húng chanh + quất bao tử + mật ong
Khi bị mũi con hay bị xuống họng dẫn đến ho. Mẹ chớm thấy con ho là hãy sẵn sàng nồi, bát và nguyên liệu để "chiến đấu" liền. "Kẻ thù mấp mé" là phải "chiến" liền, không thể chậm trễ. Mình có những lần mùa đông, 2-3h sáng nghe thấy con ho là vội vàng dậy hâm ấm nước muối sinh lý để nhỏ cho con mỗi bên 2 giọt (để cho xuống họng luôn). Đồng thời chạy ra ban công hái húng chanh hấp liền (cho uống ấm rất tốt cho họng) và chỉ cần thêm đôi lần nữa là con tịt ho luôn.
Mỗi lần mình thường lấy 6-8 lá húng chanh; 1-2 quả quất bao tử; 1 thìa mật ong (bé dưới 1 tuổi thì thay bằng đường phèn nha) cho bát và hấp cách thủy 10-15 phút tùy nhiệt nhé. Khi nào thấy bát húng chanh có khoảng 1 thìa nước là được. Chắt và cho con uống ấm, uống xong đừng tráng miệng ngay để siro ngấm cổ họng nha.
3. Chanh rừng ngâm muối/ mật ong
Chớm đau họng mà làm 1-2 quả chanh muối ngậm là cơn ho "không dám" lân la tới luôn ấy chứ. Còn nếu có lỡ thấy cơn ho đến thì sáng tối làm thìa chanh rừng ngâm mật ong, bonus 1 quả chanh ngậm luôn nha. Đây là món mình đã trải nghiệm mấy năm nay, cho tặng người thân, bạn bè đều phản hồi tốt và dùng tiếp năm sau. Đặc biệt thời Covid nhiều người ho và đau họng mãi nhưng khi dùng đến chiêu này là ổn định ngay.
4. Dấp cá/ bông mã đề
Bông mã đề - Lấy tầm 7-10 lá/ lần rửa sạch dưới vòi nước, cắt ngắn và đun sôi tầm 10 phút. Chắt kỹ nước ở bã và cho con uống ấm.
Diếp cá - rửa dưới vòi nước chảy (không hứng chậu nhé), ngâm muối loãng tầm 15 phút. Rồi cho chút đường vào xay cùng, chắt cho con uống (khi uống có thể để mát, không phải trị ho thì uống lạnh sẽ ngon hơn nha).
5. Rượu gừng gió
Gừng giã nát đem ngâm rượu trắng tầm 1-3 tháng là bắt đầu dùng được. Nếu mẹ nào kỳ công thêm đoạn hạ thổ nữa thì tuyệt hơn. Lúc thay đổi thời tiết hay con đang bị sổ mũi, người không khỏe thì pha thêm chút rượu gừng vào nước tắm cho con để tránh cảm lạnh, ho do lạnh nha các mẹ.
Chia sẻ thêm về các công thức này, chị Giang tâm sự: "Hiện tại mình vẫn áp dụng biện pháp này, với mình thì kết hợp các thảo dược vẫn hiệu quả tốt. Mình cố gắng hạn chế kháng sinh cho con chứ không anti kháng sinh mù quáng. Khi con bị ốm, mình sẽ kết hợp với việc khám/ soi/ xét nghiệm để nắm được tình hình của con và quyết định kiên trì theo thảo dược hay không. Ví dụ ho do virus thì không dùng kháng sinh. Nhưng ho do vi khuẩn như viêm phế quản/ phổi thì khó tránh việc phải dùng kháng sinh. Với thảo dược thì chớm bị hoặc có dấu hiệu bị là dùng liền, kiên trì và đều đặn để đem lại hiệu quả".
Lưu ý: Bài viết chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến các phương pháp dinh dưỡng, sức khỏe, mỹ phẩm tự làm dựa trên kinh nghiệm cá nhân của nhân vật. Điều này không có ý nghĩa kiểm chứng y khoa hay từ các chuyên gia nên chỉ mang tính chất tham khảo và chỉ là trải nghiệm cá nhân. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm, nhược điểm và có thể chỉ phù hợp với một số người. Sự khác biệt về độ tuổi, thể trạng sức khỏe hoặc các bệnh đang mang có thể gây ra các sự cố sức khỏe không đáng có hoặc tạo ra hiệu quả khác nhau trên mỗi người. Khi áp dụng cho con, nên lưu ý và tìm hiểu thật kĩ.
Chia sẻ từ chị Giang: chia sẻ trên là kinh nghiệm cá nhân của mình, mình cam kết chia sẻ trung thực trải nghiệm cá nhân.